Header Ads

test

'Điểm danh' những ngôi nhà dành tặng mẹ, vợ

'Điểm danh' những ngôi nhà dành tặng mẹ, vợ


Các thiết kế đặt bếp ở trung tâm hoặc hy sinh phòng khách lấy chỗ trồng cây xanh giúp những người mẹ, người vợ thư giãn hơn.


Ngôi nhà rộng 250 m2 ở Trảng Bom (Đồng Nai) là tổ ấm của một cặp vợ chồng trẻ có hai con nhỏ. Như không ít phụ nữ Việt Nam khác, người mẹ vừa đi làm vừa chăm lo gia đình.

Muốn phần nào bớt đi gánh nặng cho người phụ nữ, các kiến trúc sư đưa ra thiết kế nhà lấy căn bếp làm trung tâm. Với cách bố trí này, người mẹ trong lúc nấu nướng vẫn quan sát được các con chơi đùa ở tầng trên đồng thời vẫn tạo cho trẻ cảm giác tự do.


Tọa lạc trên mảnh đất 5 x 20 m ở Hòa Xuân (Đà Nẵng), ngôi nhà ba tầng của đôi vợ chồng trẻ gây tò mò cho khách đến thăm vì phòng bếp được bố trí trước phòng khách.

Theo kiến trúc sư, thiết kế này nhằm phần nào đỡ đần người vợ bởi cô là người dành nhiều thời gian ở nhà hơn. Bên cạnh đó, khi tan sở, người vợ phải lo đi chợ, về đến nhà lại vào bếp chuẩn bị bữa ăn ngay cần tiếp cận không gian bếp đầu tiên.


Xây nhà đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, chủ nhân ngôi nhà ba tầng ở quận 7 (TP HCM) mong muốn tổ ấm có đủ không gian để người vợ và hai con trai nhỏ thoải mái sinh hoạt, thư giãn.

Các kiến trúc sư đã đưa giải pháp: Căn nhà gần như không có phòng khách. Bên cạnh đó, hai bé trai ngủ chung một phòng. Nhờ đó, căn nhà có chỗ trồng cây xanh, tạo khoảng thông tầng và làm hồ bơi. Mỗi tầng đều có những khoảng sân để người lớn uống trà, đọc sách. Như vậy, dù phải ở nhà nhiều trong bối cảnh dịch bệnh, gia chủ cũng không lo bị bí bách.


Là người làm trong lĩnh vực nội thất, anh Lê Ngọc Tùng tự cải tạo căn nhà 3,5 tầng trên mảnh đất 70 m2 trong khu đô thị ở Hưng Yên cho vợ con với điểm nhấn là căn bếp làm từ gỗ cháy. Các thanh gỗ gồm nhiều loại khác nhau được lọc ra, xếp lại và đánh vẩy lõm như lỗ để phá vỡ cấu trúc vân.

Thay vì đặt sau nhà, bếp được đưa lên phía trước để đón nắng, hạn chế vi khuẩn sinh sôi. Với cách bố trí này, mỗi ngày, vợ anh Tùng có thể vừa nấu bếp vừa nhìn ra ngoài.

Ngoài bếp, phòng tắm kết hợp phòng thay đồ cũng là không gian được anh Tùng chăm chút để dành cho vợ mình. Bồn được đặt ở vị trí có thể nhận nắng xiên từ hướng Đông Bắc để chị thoải mái thư giãn.


Công trình màu đỏ rộng 190 m2 ở quận Bình Tân là món quà con gái dành cho mẹ sau 30 năm bà ở căn nhà cũ đã xuống cấp. Người mẹ đã 70 tuổi, không thể leo cầu thang nên các kiến trúc sư bố trí chỗ ngủ cho bà ở tầng trệt.

Để tiện cho sinh hoạt của người mẹ, nhóm thiết kế quyết định ưu tiên sự rộng rãi và thông thoáng hơn vấn đề riêng tư. Bà ngủ trên sofa giường (kéo ra thành giường, đẩy vào thành sofa), đủ thoải mái và dễ xoay sở, gọi người khi cần.


Đôi vợ chồng trẻ có hai con nhỏ nhưng bận bịu đi làm nên thường nhờ bà nội và bà ngoại thay nhau lên thành phố trông cháu. Để những người bà quen lối sống ở quê không cảm thấy xa lạ giữa thành phố lớn, ngôi nhà 100 m2 ở huyện Nhà Bè được thiết kế với tiêu chí thật thông thoáng, nhiều ánh sáng và cây xanh.

Một khoảng thông tầng xuyên suốt nằm kế lõi thang, vừa kết nối bốn tầng nhà và người ở theo chiều dọc, vừa tạo khoảng cách riêng tư giữa các phòng ngủ. Cũng nhờ khoảng thông tầng mà mọi phòng ngủ có đủ ánh sáng và gió tự nhiên, xua đi cảm giác ngột ngạt hay có ở nhà ống thành phố.


Khi xây ngôi nhà trên diện tích đất 80 m2 ở Quảng Ngãi, gia chủ yêu cầu có một vườn rau dành cho người mẹ làm nông. Từ yêu cầu này, các kiến trúc sư đã biến mái nhà thành bảy bậc thang trồng rau.

Vườn rau bậc thang trở thành một phần trong cuộc sống thường nhật của người mẹ. Mỗi ngày, đều đặn hai lần, bà lên chăm vườn. Rau sạch thu hoạch từ khu vườn không chỉ đủ cho gia chủ ăn mỗi ngày mà còn dành biếu hàng xóm và tích trữ những đợt mưa bão. Đây cũng là nơi quây quần khi con cháu, bạn bè tới chơi.

Đọc thêm bài về kiến trúc biệt thự pháp

Theo vnexpress

Không có nhận xét nào