Header Ads

test

Những thiết kế nhà 'dành hết cho con'

Những thiết kế nhà 'dành hết cho con'


Từ tình cảm dành cho con, nhiều gia chủ đã quyết định thiết kế ngôi nhà của mình thành "vương quốc trẻ thơ", để những đứa bé lớn lên an toàn và hạnh phúc.


Trong bối cảnh trẻ em thành thị thiếu không gian nô đùa, một số gia đình đã tự biến tổ ấm của mình thành khu vui chơi cho con, như ngôi nhà 76 m2 ở Hải Phòng.

Ngoài phòng chơi riêng, những đoạn hành lang được tận dụng làm sân chơi cho trẻ. Điểm nhấn thể hiện tình yêu với các con của gia chủ là phần cầu thang được trang trí bởi tấm thép cắt hình tên của ba đứa trẻ là Bon, Su, Bo. Tấm thép này do chính công ty người bố, một kỹ sư cơ khí, thi công.

Người bố cũng trực tiếp giám sát thi công suốt một năm rưỡi. Dù bận rộn, anh vẫn tranh thủ kiểm tra công trình trước khi đi làm và sau 21h tối, đồng thời tự tay chọn nội thất để đảm bảo ngôi nhà được cải tạo đúng thiết kế.


Trong ngôi nhà trên mảnh đất 60 m2 ở Long Biên, không gian sinh hoạt chung trên tầng hai được thiết kế như thư viện cho hai đứa trẻ, để các bé có chỗ học tập rộng rãi và chơi đùa khi bạn bè tới.

Thư viện cũng là nơi làm việc của bố mẹ, từ đó tăng sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Khoảng thông tầng ở tầng hai cùng ô kính trên sân tầng ba giúp thư viện thoáng đãng và tràn ngập ánh sáng, tạo sự thoải mái cho cả người lớn lẫn trẻ nhỏ.


Với đôi vợ chồng ở Đà Nẵng, mong muốn lớn nhất là mang lại không gian sống gần gũi với thiên nhiên, khơi gợi sức sáng tạo cho hai con gái tên Chi và Vi.

Ngôi nhà được thiết kế với tinh thần "chân phương nhất có thể", giữ nguyên vẻ nguyên thủy của các vật liệu như gạch thô, gỗ, đá để hai đứa trẻ cảm nhận sự chân thực. Theo thời gian, những vật liệu này sẽ thay đổi cùng với sự trưởng thành của hai bé.

Bên ngoài, lớp bê tông rào khắc dòng chữ "Chivihouse" (Nhà của Chi và Vi).


Không chỉ nhà đất, các căn hộ chung cư với diện tích không quá lớn cũng có thể trở thành "vương quốc" của những đứa trẻ.

Căn hộ 68 m2 ở quận 8 (TP HCM) là tổ ấm của một ông bố và con gái tám tuổi. Tâm niệm cuộc sống "phải chất, phải vui" và muốn xây nên những kỷ niệm đẹp về tuổi thơ, người bố để con tự quyết định thiết kế của công trình. Từ mong muốn của cô chủ nhỏ, các kiến trúc sư đã biến căn hộ thành không gian như sân chơi với khối hộp gỗ, xích đu và nhiều khoảng trống.


Muốn con có không gian chơi đùa trong căn hộ rộng 110 m2, người mẹ ở Hà Đông quyết định nhường hai phòng ngủ lớn cho hai con gái còn mình ở phòng ngủ nhỏ.

Bức tường ngăn giữa hai phòng ngủ lớn được thay bằng hệ cửa lùa, dễ dàng đóng mở. Các bé vừa có không gian rộng để nô đùa, vừa giữ được sự riêng tư khi cần thiết. Phía cửa lùa còn có một tấm bảng màu đen để các bé thỏa sức vẽ vời. Việc bố trí một khu vẽ riêng còn giúp hai trẻ học lối sống ngăn nắp, kỷ luật.

Hai phòng ngủ lớn cũng đầy ánh sáng tự nhiên, đúng như mong muốn "dành những gì tốt nhất cho con" của người mẹ.


Có chiều cao thông thủy hơn 4 m, căn hộ chung cư rộng 103 m2 tại Hà Nội được bố trí thêm gác lửng để trẻ tuổi mầm non được chạy nhảy.

Bếp, phòng khách được thu gọn để tạo không gian rộng rãi cho những đứa trẻ vui đùa, đạp xe, trốn tìm. Một khoảng trần nhà của tầng trệt cũng là sàn nhà của gác lửng làm bằng kính cường lực, để bố mẹ dù đọc sách hay nấu nướng cũng dễ dàng theo dõi con đang chơi. Gác lửng hiện là khu vui chơi, tương lai sẽ trở thành một phòng ngủ cho trẻ.


Căn hộ 79 m2 ở quận 10 là sự dung hòa giữa sở thích của bố mẹ và con cái. Màu chủ đạo trong công trình là trắng, hồng và xanh bạc hà, được cả em bé hai tuổi lẫn vợ chồng gia chủ yêu thích. Gam màu kẹo ngọt không chỉ dừng lại ở phòng trẻ mà dùng cho toàn bộ nhà, tạo nên sự đồng bộ và thân thiện. Mọi góc trong nhà đều có thể là góc của em bé.

Bên cạnh đó, phần lớn nội thất được thiết kế tròn trịa, hạn chế góc cạnh để đảm bảo an toàn, cho em bé chạy chơi thoải mái.


Có hai con trai độ tuổi thiếu niên nên ưu tiên của đôi vợ chồng ở Sài Gòn là cho các con một thế giới riêng. Họ quyết định mua hai căn hộ 90 m2 và đập thông. Một bên là phòng khách, phòng làm việc, thư viện và phòng ngủ của bố mẹ. Bên còn lại có bếp, phòng ngủ trẻ con, chỗ là quần áo, nhà kho để đặt máy giặt, máy sấy và trữ đồ.

Trong phòng ngủ master có một cánh cửa dẫn sang căn hộ bên kia. Thay vì làm khoảng thông rộng lớn như nhiều nhà khác, gia chủ chỉ làm lối đi nhỏ như con "hẻm". Hai đứa trẻ vừa ở gần bố mẹ mà vẫn giữ được sự riêng tư, độc lập.

Theo thanhnienviet

Không có nhận xét nào