Header Ads

test

Kịch bản tệ nhất có thể xảy ra với tỷ giá nửa cuối năm 2019 là gì?

Trong các yếu tố có thể gây áp lực tới tỷ giá trong nước, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là yếu tố được thị trường quan tâm nhiều nhất.


Khảo sát giá mua bán USD tại các ngân hàng thương mại trong ngày thứ Sáu 24/5 phổ biến quanh mức 23.320-23.450 VND/USD. Sau quãng thời gian hơn 2 tuần liên tục biến động mạnh trước đó, tỷ giá USD trong tuần này khá bình lặng. 

Phía NHNN cho biết, kể cả trong những ngày tỷ giá liên tục tăng từ hồi cuối tháng 4, mặc dù tâm lý thị trường còn lo lắng nhưng thanh khoản thị trường vẫn đảm bảo, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp vẫn được đáp ứng đầy đủ. 

Tuy nhiên, trước những diễn biến khó lường trên thế giới, đặc biệt là căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất Mỹ - Trung, tâm lý lo ngại về tỷ giá vẫn chưa dứt. Vậy kịch bản tệ nhất có thể xảy ra gây áp lực lớn tới tỷ giá trong thời gian còn lại của năm 2019 là gì? Và dư địa của cơ quan quản lý cho điều hành tỷ giá có đủ trong trường hợp xảy ra kịch bản đó? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính - TS. Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế Tài chính để hiểu rõ hơn. 

PV: Tỷ giá có biến động khá mạnh trong thời gian vừa qua, nhiều ngày tăng rất mạnh nhưng sau đó cũng hạ nhiệt rất nhanh. Đâu là nguyên nhân, thưa ông?

TS. Nguyễn Đức Độ: Nếu so sánh với các tháng đầu năm thì tỷ giá đã có những biến động khá mạnh kể từ đầu tháng 5 đến nay. Tuy nhiên, với mức biến động vẫn nằm trong khoảng +/- 1% và có lên có xuống, diễn biến tỷ giá trên thị trường, về cơ bản, vẫn có thể coi là ổn định. Có một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, tình hình cung cầu ngoại tệ trên thị trường tương đối cân bằng. Nền kinh tế, về tổng thể, vẫn xuất siêu và các dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn chọn Việt Nam là điểm đến.

Thứ hai, tỷ giá của các đồng tiền trên thế giới cũng tương đối ổn định. Mặc dù chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có nhiều diễn biến căng thẳng mới, nhưng chỉ số Dollar Index kể từ đầu tháng 5 đến nay chỉ dao động trong khoảng 97-98 điểm. Còn đồng nhân dân tệ cũng chỉ mất giá khoảng hơn 2% và chưa vượt mức đỉnh của năm 2018 là 6,95 USD/CNY.

Nguyên nhân thứ ba là NHNN điều hành tỷ giá với phương châm linh hoạt nhưng ổn định. Khi tỷ giá trên thị trường ổn định trong những tháng đầu năm, NHNN đã liên tiếp điều chỉnh tỷ giá trung tâm. Nhưng khi trên thị trường xuất hiện kỳ vọng tỷ giá tiếp tục tăng, NHNN lại tuyên bố sẵn sàng bán ngoại tệ để can thiệp. Bên cạnh đó, việc NHNN duy trì lãi suất liên ngân hàng ở mức hợp lý, khoảng 3-4%, cũng hạn chế đáng kể nhu cầu đầu cơ và tích trữ ngoại tệ trên thị trường.

Ngoài ra, thực tế điều hành tỷ giá năm 2018 cho thấy, cho dù đồng nhân dân tệ mất giá mạnh tới 10% còn đồng Việt Nam chỉ mất giá hơn 2%, nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng với tốc độ trên 13%. Điều này dẫn đến kỳ vọng rằng tốc độ mất giá của tiền đồng trong năm 2019 sẽ thấp hơn so với năm 2018. Với kỳ vọng tỷ giá ổn định, sẽ không có nhiều người muốn tích trữ thêm USD. Thậm chí, nhiều người sẽ bán USD để nắm giữ VND với lãi suất cao hơn. Đây là lý do khiến NHNN có thể mua được hơn 8 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2019.

Trong các yếu tố có thể gây áp lực tới VND từ nay đến cuối năm, yếu tố nào là cần chú ý nhất?

Hiện nay, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có lẽ là yếu tố được thị trường quan tâm nhiều nhất. Tuy nhiên, sự ổn định tương đối trên thị trường tiền tệ quốc tế cho thấy, các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng 2 bên sẽ đạt được một thỏa thuận trong tương lai không xa. 

Phía Trung Quốc muốn đạt được thỏa thuận vì quy mô xuất khẩu của họ sang Mỹ quá lớn, hơn 500 tỷ USD. Đó là chưa kể Mỹ có thể áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các công ty của Trung Quốc, chẳng hạn như Huawei. 

Về phía Mỹ, mặc dù các thiệt hại từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nhỏ hơn so với Trung Quốc, những Tổng thống Trump cũng sẽ vẫn muốn đạt được một thỏa thuận vì cuộc bầu cử đang đến gần. Hơn nữa, nền kinh tế Mỹ hiện nay đang tăng trưởng chậm hơn so với năm ngoái và xác suất rơi vào suy thoái đang lớn dần. 


Các căng thẳng trong đàm phán thương mai Mỹ - Trung vừa qua có thể chỉ là các đòn chiến thuật mà 2 bên áp dụng để tiến tới một thỏa thuận cuối cùng có lợi hơn cho mình.

Hơn nữa, cho dù 2 nước chưa đạt được thỏa thuận, phía Trung Quốc có thể sẽ không sử dụng tỷ giá như một công cụ thúc đẩy xuất khẩu. Với mức thuế quan của Mỹ tăng từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, đồng nhân dân tệ sẽ phải mất giá rất mạnh mới có thể bù đắp được. Nhưng nếu nhân dân tệ mất giá mạnh, chẳng hạn vượt mức 7 USD/CNY, thị trường có thể bị hoảng loạn và đầu tư nước ngoài có thể sẽ rời khỏi Trung Quốc.

Nếu có kịch bản tệ nhất xảy ra, gây áp lực rất lớn tới tỷ giá thì đó có thể là gì?

Kịch bản tệ nhất là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng, thậm chí leo thang và kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái. Trong trường hợp này, tăng trưởng tại nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, EU cũng sẽ chậm lại, khiến nhu cầu nhập khẩu trên toàn cầu giảm mạnh. Lúc đó, cạnh tranh thương mại sẽ gia tăng, tỷ giá các đồng tiền sẽ biến động mạnh hơn, vì các nước sẽ muốn hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu của mình khi miếng bánh bị nhỏ đi. 

Tuy nhiên, kịch bản này không được kỳ vọng nhiều vì nếu nó xảy ra, tất cả các nước đều là người thua cuộc. Cả Mỹ và Trung Quốc sẽ đều muốn tránh kịch bản này.

Ông đánh giá thế nào về dư địa cho điều hành tỷ giá hiện nay?

Với mục tiêu cao nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, cho dù xảy ra kịch bản tệ nhất, mức biến động tỷ giá trong năm nay nhiều khả năng sẽ được NHNN khống chế ở mức dưới 3% và NHNN có đầy đủ các công cụ để đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, kịch bản chính vẫn là tỷ giá sẽ biến động khoảng 1-2% cho cả năm 2019.

Có nhiều tín hiệu cho thấy FED sẽ không tăng lãi suất trong năm nay, thậm chí có thể cắt giảm. Điều này có tác động thế nào với tỷ giá và lãi suất trong nước?

Với việc nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại, lạm phát thấp hơn 2% trong một thời gian dài và FED dự định không tăng, thậm chí có thể cắt giảm lãi suất, nhu cầu về đồng USD sẽ khó tăng mạnh trong thời gian tới. Điều này sẽ giảm áp lực lên tỷ giá VND/USD. 

Vậy ông dự báo tỷ giá trong năm nay sẽ tăng khoảng bao nhiêu?

Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm và tỷ giá thị trường đã tăng khoảng 1%. Việc NHNN vừa qua tuyên bố sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp cho thấy nhà điều hành có thể muốn giữ mức tỷ giá hiện nay trong một khoảng thời gian để hạ nhiệt kỳ vọng tỷ giá tiếp tục  tăng trên thị trường. Diễn biến tỷ giá từ nay đến cuối năm sẽ phụ thuộc vào bối cảnh, nhưng mức tăng thêm nhiều khả năng cũng sẽ chỉ từ 0-1%.

Xem thêm nội thất tân cổ điển

Theo tri thức trẻ

Không có nhận xét nào