MoonPhase - Ánh trăng kỳ vĩ vượt thời gian
MoonPhase - Ánh trăng kỳ vĩ vượt thời gian
Qua hàng ngàn năm, loài người vẫn luôn hướng mắt lên bầu trời và quan sát vẻ đẹp vĩnh hằng của mặt trăng. Người ta đã ghi chép tỉ mỉ mọi chuyển động, hướng đi và chu kì của ngôi sao này một cách rất kỹ lưỡng. Và đối với các tín đồ của đồng hồ cơ khí, moonphase, tức “lịch tuần trăng” là một thiết kế có sức hút đặc biệt với nhiều biến thể không thể thiếu trong bộ sưu tập của họ!
LỊCH SỬ CỔ MÁY MOONPHASE CƠ KHÍ
Quỹ đạo thường xuyên của mặt trăng trên bầu trời đã sinh ra 12 tháng và nó rất quan trọng đối với các nghi lễ tôn giáo trên khắp thế giới. Cỗ máy có chứa tính năng Moonphase cơ khí được biết đến sớm nhất, có tên là Antikythera với xuất xứ từ Hy Lạp cổ đại, nó được cho là có niên đại từ năm 205 trước công nguyên. Cơ chế này cho phép hiển thị vị trí của mặt trăng, các hành tinh đã biết ở thời điểm đó, ngày của kì thế vận hội Olympic tiếp theo và ngày/tháng/năm hiện tại. Sự phức tạp của cơ chế Antikythera là vô cùng kì diệu, và nó là một biểu tượng độc tôn mà không có bất cứ thứ gì có thể sánh được mãi tới hơn 1000 năm sau khi đồng hồ thiên văn ra đời.
Những chiếc đồng hồ thiên văn, thường được chế tạo và đặt bên trong các thánh đường tôn giáo, hay trong các tháp chuông lớn, kích thước của chúng rất khổng lồ. Nó hiển thị quỹ đạo của các hành tinh đã biết và các giai đoạn mặt trăng, cùng với thời gian và tháng trong năm. Được chế tạo từ thời kì phục hưng, những chiếc đồng hồ này đã đặt trái đất – biểu tượng của sự sáng tạo của đức chúa nằm ở trung tâm vũ trụ, với mặt trời quay xung quanh nó. Những bài giảng cơ học cho các học thuyết tôn giáo cũng chính là tượng đài cho những người bảo trợ. Đồng hồ thiên văn bị đẩy ra bên lề khi các nhà khoa học phát hiện ra rằng, trái đất không phải trung tâm của vũ trụ – phát kiến này đã gây ra rất nhiều phiền toái cho các giáo sĩ.
Thiết kế đồng hồ Ochs Und Junior có giá 8000USD, hiển thị tuần trăng chính xác hơn 3400
Vào thế kỉ 16, tính năng Moonphase lần đầu tiên được nhìn thấy trên những chiếc đồng hồ tủ đứng của Đức và Anh. Phương pháp hiển thị các pha trong những chiếc đồng hồ này được giữ nguyên trong hàng trăm năm sau. Một cần chỉ bằng kim loại sẽ kết nối với kim giờ của cỗ máy, làm vận hành thiết bị 59 bánh răng sau mỗi 24 giờ. Một bộ đĩa vẽ hình hai mặt trăng sẽ được kết nối với thiết bị này. Một ô cửa sổ sẽ được khoét để lộ ra một phần của đĩa mặt trăng và sẽ chỉ có một mặt trăng được lộ ra. Ở ô cửa sổ sẽ có 2 bướu lồi ra, nó sẽ che khuất một phần mặt trăng, miêu tả hình dạng các pha mặt trăng trên bầu trời. Bộ đĩa này mất 59 ngày để xoay, để mặt trăng được nhìn thấy đầy đủ vào mỗi tháng âm lịch (khoảng 29.5 ngày). Một số đồng hồ đeo tay hiện đại còn sở hữu tới 2 ô lịch tuần trăng, để hiển thị vị trí trăng ở cả hai bán cầu bắc/nam.
Sự phức tạp của tính năng moonphase tiếp tục làm say mê các nhà sản xuất đồng hồ lẫn khách hàng, khi nó đi từ đồng hồ tủ đứng đến đồng hồ bỏ túi rồi cuối cùng đổ bộ lên đồng hồ đeo tay ở thế kỷ 20. Mặc dù tính hữu dụng của nó ở thời hiện đại là rất đáng ngờ, thì lịch tuần trăng vẫn sẽ trở thành một phần quan trọng của bộ lịch vạn niên.
THIẾT KẾ BIỂU TƯỢNG MẶT TRĂNG THAY ĐỔI QUA TỪNG THỜI KÌ
Ở thế kỉ 17, thiết kế mặt trăng được vẽ hình một đứa bé rất dễ thương, với đôi má phúng phính và đôi mắt long lanh, với cái tên là “Rosy Cheeked Lunar Cherubim”. Nhưng vào thế kỉ 18 và 19, hình thức đã được thay đổi, mặt trăng được vẽ hình một người đàn ông đứng tuổi, với cái tên “Man Of The Moon”. Tới những năm 1920, với phong cách Art Deco, người ta đã vẽ ra một mặt trăng đang nháy mắt, và tới năm 1950 và 1960 thì mặt trăng biến thành một đĩa được đánh bóng đơn giản, không vẽ hình. Ở thời điểm hiện tại, người ta đang rất ưa chuộng phong cách “bán thực tế”, tức là những hình dập 3D khắc họa những vết lồi lõm trên mặt trăng.
CÔNG CUỘC TÌM KIẾM ĐỘ CHÍNH XÁC CỦA TÍNH NĂMG MOONPHASE Ở NỬA SAU THẾ KỶ 20
Điểm nhấn mà các hãng đồng hồ thường khoe khoang về kỹ nghệ chế tạo tính năng moonphase đó là sự chính xác. Hệ thống cơ bản bao gồm 59 bánh răng chỉ chính xác đến 2 năm, 7 tháng và 2 tuần. nó rất ổn định nhưng rõ ràng độ chính xác chưa cao khiến các tay chơi lớn trong nghề khá khó chịu, họ muốn làm nhiều hơn thế!
Một cột mốc mới đã được ghi nhận khi các nhà chế tạo đồng hồ tính toán thành công độ chính xác của moonphase, với 135 bánh răng trong vòng 122 năm. Tuy nhiên, khi các nhà chế tác đồng hồ phát hiện ra chiều dài âm lịch là 29.530587981 ngày, họ lại có một lý tưởng để hướng tới – một sự chính xác cao hơn. Các hãng lớn như H.Moser & Cie, A.lange & Sohne và Patek Phillippe đều có đồng hồ với độ chính xác hơn 1000 năm. Nhưng các thương hiệu nhỏ khác lại có bước tiến xa hơn cả họ – thậm chí là xa hơn rất nhiều. Ochs Und Junior là một nhãn hiệu nhỏ có trụ sở tại Lucerne, Thụy Sỹ và thiết kế tối giản của họ đã cho phép áp dụng một hệ thống lịch tuần trăng rất độc đáo. Ochs đã tự chế tạo ra hệ thống bánh răng riêng – cấu tạo từ 5 bánh răng khác nhau và lắp chúng trên đỉnh của một cỗ máy ETA 2824-2 cơ sở, tạo ra độ chính xác 3.478,27 năm trước khi cần điều chỉnh. Tất cả những chiếc đồng hồ Ochs Und Junior đều có thể tùy chỉnh theo ý khách hàng. Và mặc dù có độ chính xác rất cao, nhưng giá của nó chỉ khoảng 8.000USD.
CELLINI REF.50535, ĐÂY LÀ THIẾT KẾ ĐỒNG HỒ DUY NHẤT CỦA ROLEX ĐƯỢC TRANG BỊ TÍNH NĂNG MOONPHASE VỚI ĐỘ CHÍNH XÁC LÊN ĐẾN 122 NĂM
Xa hơn về phía bắc, Nghệ nhân Christian Van Der Klaauw luôm bị ám ảnh bởi những vì sao ngay từ khi còn nhỏ và ông đã dành cả cuộc đời của mình để chế tạo những chiếc đồng hồ thiên văn bằng tay. Nhà sản xuất đồng hồ người Hà Lan lần đầu tiên chế tạo đồng hồ mặt trăng và thiên văn vào giữa những năm 1970, và tới năm 1994, ông đã bắt đầu chế tạo chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên của mình. Thành tựu đáng nể nhất của ông, chính là chiếc Real Moon Joure – với một mặt trăng 3D có độ chính xác trong vòng 11.000 năm. Một chi tiết máy được đâm xuyên qua mặt trăng, dọc theo trục thẳng đứng của nó, cho phép kết nối với một cơ chế moonphase. Một nửa của mặt trăng được sơn màu bạc, và nửa còn lại sẽ được sơn màu đen để tái hiện lại bóng của trái đất chiếu lên mặt trăng.
Tuy nhiên, tất cả các cơ chế moonphase ở trên vẫn chưa phải là số một, có một cỗ máy moonphase có sự chính xác đến điên rồ lên đến hơn 2 triệu năm! Nhà chế tác đồng hồ Strehler rất có hứng thú với cơ chế lịch tuần trăng, và anh ta đã cố gắng đưa cơ chế này đến độ chính xác thừa thãi. Chiếc đồng hồ Sauterelle a Peruneulle lune được giới thiệu với độ chính xác lên tới 14.189 năm và khi Strehler công bố nó, anh đã nói đùa rằng bất kì thành tựu chính xác nào nữa cũng sẽ là một điều không cần thiết. Tuy nhiên, ngay trong năm sau, anh ta đã lại ra mắt chiếc Sauterelle a Lune Perpetuelle 2M với độ chính xác tới 2.060.757 năm và đây cũng là con số lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại trong toàn ngành chế tạo cơ khí về moonphase!
Patek Philippe 175th Anniversary World Time Moonphase 5575G001 – Một tuyệt tác đồng hồ phức tạp, tích hợp chức năng hiển thị giờ thế giới và moonphase. Chức năng moonphase được thiết kế cách điệu tuyệt vời, mang lại cái nhìn đầy chân thực với một hình mặt trăng ở trung tâm, xung quanh là những vì sao lấp lánh.
SỨC HÚT VĨNH HẰNG CỦA THIẾT KẾ MOONPHASE
Như các bạn đã thấy, những con số về độ chính xác của tính năng moonphase đã có bước tiến vô cùng xa, vượt cả sự tưởng tượng và tuổi thọ của bất cứ ai. Thực tế mà nói, tính năng moonphase ngày nay đã không còn hữu dụng trong thời đại công nghệ số nhưng đối với thị trường đồng hồ đeo tay vốn cần những tính năng cầu kì để thể hiện đủ độ đẳng cấp hơn là sự thực dụng thì rõ ràng moonphase đã và sẽ luôn có chỗ đứng trong lòng người hâm mộ!
Theo nghenhinvietnam
Post a Comment