Header Ads

test

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 13/7/2020

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 13/7/2020


Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 13/7 của các công ty chứng khoán.


Khuyến nghị tích cực đối với ngành bất động sản khu công nghiệp

CTCK Phú Hưng (PHS)

Dù diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngành bất động sản khu công nghiệp vẫn cho thấy sự tích cực trong hoạt động thu hút các doanh nghiệp có nguồ vốn FDI thông qua giá cho thuê và tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp vẫn ghi nhận sự tăng trưởng ở cả 2 miền Nam, Bắc.

Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 còn thúc đẩy sự dịch chuyển các nhà máy ra khỏi Trung Quốc từ các công ty đa quốc gia diễn ra nhanh hơn để tránh khỏi tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Qua đó, giúp Việt Nam với vị trí thuận lợi, liền sát Trung Quốc và nhiều chính sách ưu đãi là điểm đến được ưu tiên từ các dòng vốn nước ngoài.

Việc ký kết thành công hiệp định EVFTA và EVIPA là một bước tiến quan trọng cả về chiến lược và kinh tế trong quan hệ giữa Việt Nam và EU. Đây sẽ là động lực để thu hút các nguồn vốn từ nước ngoài đầu tư cũng như di chuyển các nhà máy đến Việt Nam để nhận được ưu đãi từ hiệp định, từ đó giúp gia tăng nhu cầu thuê bất động sản tại các khu khu công nghiệp trong giai đoạn tiếp theo.

Đẩy mạnh đầu tư công sẽ giúp cho cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, giúp kết nối hạ tầng, logistic của các khu công nghiệp đến các thành phố trung tâm và cảng biển ngày càng hoàn thiện hơn. Do đó cũng chính là động lực giúp ngành BĐS khu công nghiệp tăng trưởng.

Định giá và khuyến nghị: Chúng tôi đưa ra khuyến nghị tích cực đối ngành bất động sản khu công nghiệp nhờ những lợi thế mà Việt Nam đang sở hữu so với các quốc gia trong khu vực.

Với các doanh nghiệp trong ngành, chúng tôi khuyến nghị KBC và VGC với vị trí đắc địa, sở hữu các khu công nghiệp rộng lớn, với nguồn đất sẵn sàng cho thuê dồi dào tập trung tại phía Bắc, cùng tiệp khách hàng chất lượng sẽ sẽ tạo lợi thế cạnh tranh vượt trội.

Nhà đầu tư trung và dài hạn có thể mở vị thế đối với KBC tại ngưỡng giá 14

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu KBC của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP đang hình thành nhịp hồi phục tại vùng giá 14. Thanh khoản cổ phiếu vẫn ở mức thấp và nằm dưới ngưỡng giao dịch trung bình 20 phiên.

Chỉ báo RSI ủng hộ xu hướng hồi phục trong khi chỉ báo MACD cho thấy tín hiệu tích cực. Đường giá cổ phiếu cũng đã chạm lại dải mây Ichimoku, cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn đang hình thành.

Như vậy, nhà đầu tư trung và dài hạn có thể mở vị thế tại ngưỡng giá 14.0, chốt lãi tại vùng giá 17.0-18.0 và cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 13.0.

Khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu VGI

CTCK Phú Hưng (PHS)

VGI hiện cung cấp dịch vụ viễn thông di động (gọi thoại, 3G, 4G, 5G) trên 9 thị trường quốc tế ở các nước Đông Nam Á, châu Phi và Mỹ Latinh. VGI còn cung cấp dịch vụ thanh toán qua ví điện tử, dịch vụ xổ số trên ví, dịch vụ số, công nghệ thông tin.

Với giả định năm 2020 VGI sẽ không còn khoản trích lập lớn nào sau khoản trích lập dự phòng khoản phải thu ở Cameroon 2.417 tỷ đồng trong năm 2019 và VGI sẽ ngừng mở rộng ở các thị trường mới, chỉ tập trung phát triển các thị trường có sẵn như kế hoạch đã đề ra trong ĐHCĐ, chúng tôi dự phóng doanh thu VGI sẽ tăng trưởng 10%, với mức tăng trưởng số thuê bao đạt 10% lên 56 triệu thuê bao.

Tuy nhiên, do các khoản lỗ của VGI ở thị trường châu Phi do mức doanh thu hiện tại vẫn chưa đủ bù chi phí hoạt động (Opex) và lãi vay, ước tính biên lợi nhuận ròng của VGI chỉ đạt 2.7% với lợi nhuận sau thuế dự phóng đạt 499 tỷ đồng.

Hiện VGI đầu tư hạ tầng 5G, chú trọng các giải pháp phát triển dịch vụ viễn thông và viễn thông mở rộng như IOT, thanh toán online, nội dung số, xây dựng chuỗi sản phẩm liên kết cải thiện doanh thu và biên lợi nhuận.

Bằng phương pháp EV/EBITDA, P/B và EV/Doanh thu, ước tính thận trọng giá trị hợp lý của VGI là 28.300 đồng/cổ phiếu, tăng 0.4% so với mức giá hiện tại. Do đó, khuyến nghị giữ đối với cổ phiếu này.

Rủi ro: (1) Dịch bệnh Covid-19 chưa được kiểm soát; (2) Công nghệ viễn thông thay đổi nhanh chóng; (3) Cạnh tranh từ các đối thủ trong ngành; (4) Rủi ro chính trị; (5) Rủi ro tỷ giá.

Khuyến nghị trung lập trong ngắn hạn với doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng

CTCK Phú Hưng (PHS)

Trong bối cảnh thị trường ảm đạm do dịch bệnh, kết quả kinh doanh của các công ty trong ngành vật liệu xây dựng cũng không thực sự khả quan.

Trong ngành thép, HPG nổi trội lên với doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý I/2020 tăng trưởng (tăng 29% và 27% so với cùng kỳ năm ngoái), các doanh nghiệp còn lại đối mặt với một năm khó khăn khi doanh thu và lợi nhuận sau thuế đều giảm sâu so với cùng kỳ. Riêng HSG dù doanh thu giảm (16%) nhưng lợi nhuận sau thuế tăng mạnh (261%) do được hưởng lợi từ giá nguyên vật liệu giảm.

Ngành nhựa cũng tương tự với ngành thép khi các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với sự sụt giảm của nhu cầu tiêu thụ. Tuy nhiên, BMP đã duy trì được đà tăng trưởng của mình nhờ vào theo đuổi chiến lược bán hàng mạnh mẽ hơn, khi tập trung bán ở kênh phân phối hơn là bán trực tiếp cho các nhà thầu xây dựng.

Ngành xi măng vẫn tiếp tục đối mặt với tình trạng thừa cung và phụ thuộc lớn vào doanh thu xuất khẩu. Tuy nhiên, hạn chế giao thương của các quốc gia đã ảnh hưởng lớn khả năng xuất khẩu của các doanh nghiệp. Điều này làm cho cạnh tranh trong nước dần trở nên khốc liệt hơn.

2 doanh nghiệp tiêu biểu của ngành là HT1 và BCC đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm lần lượt là 1% và 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Để đối phó với tình hình dịch bệnh, các doanh nghiệp đã thực hiện những chiến lược khác nhau để tồn tại. Trong khi doanh thu của HT1 giảm 13,3% do suy giảm sản lượng bán ra thì BCC đạt được tăng trưởng 13,8% nhờ chiến lược giảm giá hàng bán để duy trì thị phần.

Ngành đá xây dựng cũng ghi nhận mức giảm chung cho doanh thu toàn ngành (trừ C32). Nhu cầu tiêu thụ từ các dự án bất động sản suy giảm đã làm doanh thu lẫn lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp sụt giảm mạnh. Doanh nghiệp tiêu biểu trong ngành là KSB đã ghi nhận doanh thu quý 1 không tăng trưởng so với cùng kỳ, sụt giảm nhẹ 0,1%; trong khi lợi nhuận sau thuế giảm 9,6%.

Thị trường đã có những kỳ vọng tác động tích cực từ chính sách đầu tư công, nên giá cổ phiếu trong các nhóm ngành đã tăng tốt trong thời gian vừa qua. Vì vậy, chúng tôi đưa ra khuyến nghị trung lập trong ngắn hạn khi giá cổ phiếu các doanh nghiệp đã phản ánh phần nào giá trị của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, về dài hạn chúng tôi đánh giá tích cực đối với các doanh nghiệp đầu ngành. Ngành vật liệu xây dựng phụ thuộc nhiều vào chu kỳ ngành bất động sản. Khi mặt bằng lãi suất về mức thấp và các thủ tục pháp lý được gỡ rối, chúng tôi kỳ vọng vào sự phát triển mạnh ở khu vực hạ tầng và sự hồi phục của thị trường bất động sản.

Khuyến nghị mua cho GMD với giá mục tiêu 25.100 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Theo website của công ty, CTCP Gemadept (GMD) công bố cảng nước sâu Gemalink của công ty, thuộc cụm cảng Cái Mép của Việt Nam, đã tiếp nhận 2 cẩu trục STS đầu tiên vào ngày 07/07.

Các cần cẩu này được sản xuất bởi Doosan, Hàn Quốc – một trong những tập đoàn sản xuất máy móc cơ khí hàng đầu thế giới. Cảng Gemalink giai đoạn 1 sẽ được trang bị tổng cộng 6 cẩu trục và 18 cẩu khung (RTG) với tổng công suất bốc dỡ 1,5 triệu TEU mỗi năm.

GMD kỳ vọng hoàn thành công tác xây dựng và lắp đặt máy móc cho cảng Gemalink trong tháng 10 và thực hiện vận hành thử nghiệm trong tháng 11. Cảng Gemalink giai đoạn 1 sẽ bắt đầu hoạt động thương mại vào đầu năm 2021, phù hợp với kế hoạch của công ty đã đề ra tại ĐHCĐ năm 2020.

Chúng tôi kỳ vọng cảng Gemalink sẽ là yếu tố dẫn dắt tăng trưởng trong trung hạn cho GMD thông qua việc tận dụng đà tăng trưởng ổn định sản lượng container thông cảng tại khu vực Cái Mép.

Khu vực cảng này dự kiến sẽ là trung tâm trung chuyển hàng hóa trong khu vực khi ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) sản lượng thông cảng đạt 23% trong giai đoạn 2014-2019.

Chúng tôi hiện dự báo cảng Gemalink sẽ bắt đầu đóng góp lợi nhuận vào năm 2022, đóng góp khoảng 10% cho lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số của GMD trong năm 2022 và 17% trong năm 2023.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho GMD với giá mục tiêu 25.100 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 35,9%, bao gồm lợi suất cổ tức 5,2%).

Khuyến nghị mua cho VHM và khả quan cho VIC  

CTCK Bản Việt (VCSC)

Cổ đông của CTCP Vinhomes (VHM) đã thông qua kế hoạch đầu tư của công ty cho Dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh với tổng vốn đầu tư khoảng 232 nghìn tỷ đồng.

Theo quy hoạch đây là khu phức hợp đa năng, đô thị ven biển gắn với khu nghỉ dưỡng sinh thái, sân golf và dịch vụ. Tổng diện tích của dự án là xấp xỉ 4.110 ha, trong đó bao gồm 3.186ha tại thị xã Quảng Yên và 923,64 ha tại Hạ Long.

Cổ đông VHM cũng thông qua thành lập liên danh với Tập đoàn Vingroup (công ty mẹ của Vinhomes). Liên danh này, được dẫn dắt bởi VHM, sẽ là chủ đầu tư dự án . Vốn góp (bằng tiền mặt) vào liên danh dự kiến bằng khoảng 15% tổng mức đầu tư dự án của khoản vốn đầu tư 232 nghìn tỷ đồng - hoặc mức tối thiểu khác theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; trong đó VHM và VIC có kế hoạch đóng góp lần lượt 70% và 30% vốn của liên danh. VIC cũng công bố nghị quyết HĐQT thông qua kế hoạch này.

Qua trao đổi của chúng tôi với ban lãnh đạo, VHM đang nộp đơn xin phê duyệt về nguyên tắc cho dự án này. VIC sẽ tham gia liên danh ngay từ giai đoạn ban đầu khi quy mô lớn của dự án phức hợp này yêu cầu năng lực đầu tư của VIC cho các cấu phần công trình ngoài nhà ở của dự án như sân golf, khách sạn… VHM dự kiến sẽ triển khai bán dự án này trong năm 2022; công ty cũng hướng đến tỷ lệ sở hựu thực tế 99% của dự án này.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua dành cho VHM với giá mục tiêu 111.000 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời 40%, và khuyến nghị khả quan cho VIC với giá mục tiêu 114.000 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời 25%.

Đọc thêm về công ty thiết kế kiến trúc nhà xinh nhaxinhcenter.com.vn

Theo báo đầu tư chứng khoán

Không có nhận xét nào