Kiến trúc sư chi 200 triệu cải tạo phòng 30 m2
Kiến trúc sư chi 200 triệu cải tạo phòng 30 m2
HÀ NỘI - Nằm trên tầng ba ngôi nhà 20 năm tuổi ở Long Biên, căn phòng của vợ chồng anh Đặng Hữu Hải vốn dành cho khách từ quê lên chơi.
Tổng diện tích tầng ba khoảng 30 m2, không quá chật chội nhưng bố trí không hợp lý với nhu cầu sinh hoạt của đôi vợ chồng trẻ. Toilet ban đầu dùng làm phòng giặt nên cửa ở ngoài ban công. Qua thời gian, cửa gỗ bị co ngót, mùa hè nóng còn mùa đông lạnh. Đôi chỗ tường bị ẩm mốc, nền gạch cũng cũ và bạc màu. "Chưa kể, ánh sáng không vào được nhiều nên phòng lúc nào cũng tối và bí", anh Đặng Hữu Hải 30 tuổi chia sẻ.
Chuẩn bị có em bé nên đôi vợ chồng quyết cải tạo không gian sống. Là kiến trúc sư, anh Hải tự lên thiết kế và thi công.
Không gian phòng ngủ trước và sau cải tạo. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Để không gây ảnh hưởng đến kết cấu công trình và tiết kiệm chi phí, anh Hải cố gắng hạn chế đập phá phần thô. So với thiết kế cũ, kiến trúc sư thay đổi vị trí cửa vào phòng ngủ và toilet. Cửa ra ban công và cửa sổ phòng ngủ được gộp thành một cửa lớn, đưa ánh sáng tự nhiên tràn vào nhà. Trong toilet, anh Hải làm lại hệ thống cấp thoát nước và thay mới toàn bộ thiết bị.
Nhà vệ sinh trước và sau cải tạo. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Hành lang trước đây bỏ trống được cải tạo thành góc làm việc của hai vợ chồng. "Ở phòng cũ, vợ tôi phải mua bàn gập sinh viên để làm việc trên giường nên hay bị đau vai gáy. Vì thế, tôi cần không gian làm việc nghiêm túc hơn", anh Hải kể. Là người thích sách, anh đầu tư hệ giá sách lớn để có động lực mua nhiều và đọc sách nhiều hơn.
Một số người bình luận rằng việc bố trí không gian làm việc ngay cạnh toilet là không hợp phong thủy. Tuy nhiên, anh Hải quan niệm kiến trúc phải song hành với phong thủy và điều quan trọng nhất là sự thoải mái của người sử dụng.
"Người Việt đôi khi vẫn quan niệm toilet là nơi bẩn, hôi và ẩm ướt. Nhưng nếu thông gió tốt thì toilet cũng rất sạch sẽ", kiến trúc sư nói thêm.
Hành lang trống được cải tạo thành phòng làm việc. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Việc cải tạo căn phòng của vợ chồng anh Hải vô tình khiến sinh hoạt của các thành viên khác chung nhà bị đảo lộn. "Mẹ và cháu tôi phải đi 'sơ tán', em vợ có nhiều hôm phải ngủ tại lớp dạy học", kiến trúc sư kể. May mắn, nhờ gia đình ủng hộ và thông cảm, quá trình thi công suôn sẻ hoàn tất.
Sau ba tuần với chi phí khoảng 200 triệu đồng, căn phòng "lột xác" khiến vợ chồng anh Tuần đi đâu cũng mong nhanh về nhà, cuộc sống thoải mái hơn và công việc cũng hiệu quả hơn. Vợ anh Hải nhận xét: "Sửa xong, em thấy nơi có lực hút trái đất mạnh nhất chính là giường phòng mình".
Toilet vốn là phòng giặt nên cửa nằm ngoài ban công.
Căn phòng cũ thiếu sáng, lúc nào cũng tối và bí.
Được xây từ lâu nên tường nhà đã bị ấm mốc.
Sau cải tạo, cửa ban công và cửa sổ phòng ngủ được gộp lại thành một cửa to để lấy sáng, gió vào trong. Đọc thêm bài về thiết kế nhà phố đẹp
Vị trí cửa vào phòng ngủ được dời đi để có chỗ làm tủ âm tường.
Nhờ hệ tủ này, vợ chồng anh Hải có chỗ trưng bày ảnh cưới.
Sàn phòng ngủ được ốp gỗ để tạo sự ấm áp. Phần đầu giường cũng sử dụng gỗ giả đá.
Do dịch Covid và tính chất công việc, vợ chồng anh Hải dành nhiều thời gian làm ở nhà nên cải tạo hành lang cũ thành phòng làm việc.
Phòng làm việc ngay cạnh toilet, theo một số người là không hợp phong thủy nhưng đôi vợ chồng vẫn ưng ý.
Giá sách lớn tạo động lực cho anh Hải mua và đọc nhiều sách hơn.
Theo vnexpress
Post a Comment