Header Ads

test

Trọn bộ "bí kíp" chọn rèm cửa đẹp nhất cho ngôi nhà của bạn

Trọn bộ "bí kíp" chọn rèm cửa đẹp nhất cho ngôi nhà của bạn


Không chỉ tạo sự riêng tư, kiểm soát lượng ánh sáng, hạn chế bụi và tiếng ồn, rèm cửa còn góp phần định hình phong cách nội thất, tăng tính thẩm mỹ cho không gian. Tuy nhiên, bạn đã biết cách chọn rèm cửa đẹp, phù hợp nhất với công năng chưa?

Ngoài các chức năng quan trọng như chắn nắng, cản bụi và tiếng ồn, tạo không gian riêng tư, rèm cửa còn góp phần tôn lên vẻ đẹp của ngôi nhà. Cách lựa chọn rèm cửa cũng phần nào thể hiện phong cách nội thất, gu thẩm mỹ của gia chủ, tạo điểm nhấn về kết cấu và màu sắc cho không gian. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách chọn rèm cửa phù hợp với kiến trúc, thiết kế nội thất của nhà mình. Những sai lầm khi chọn rèm cửa có thể khiến bộ rèm trở nên “lạc quẻ”, kém duyên, làm bố cục căn phòng trông rối mắt hơn.

Rèm cửa góp phần định hình phong cách, tôn lên vẻ đẹp tổng thể của ngôi nhà.

Vì vậy, trước khi tìm mua rèm cửa cho ngôi nhà của bạn, hãy dành thời gian tìm hiểu, trang bị một số kiến thức, kinh nghiệm cần thiết để biết cách chọn ra những bộ rèm cửa đẹp, ấn tượng và phù hợp nhất. 

Chọn rèm cửa phù hợp với thiết kế, phong cách nhà

Thị trường rèm cửa ngày nay rất đa dạng, từ mẫu mã, kiểu dáng đến chất liệu may rèm, dễ khiến người tiêu dùng bị “ngợp” giữa vô số lựa chọn. Tuy nhiên, có một “nguyên tắc vàng” luôn phải tuân theo khi chọn rèm cửa, đó là thiết kế rèm phải phù hợp với phong cách kiến trúc, nội thất của ngôi nhà. Đơn cử, nếu nhà bạn theo phong cách cổ điển, trần cao, không gian rộng rãi, tường có nhiều họa tiết trang trí cầu kỳ, bạn có thể chọn những kiểu rèm dày, nhiều lớp bèo, xếp ly,... Còn nếu ngôi nhà không quá cao, các cửa sổ nhỏ, tối hoặc nhà theo phong cách hiện đại, bạn nên chọn loại rèm thiết kế đơn giản, chất vải thoáng, nhẹ, màu sáng. Còn với các gia chủ thích phong cách trẻ trung, cá tính, chọn rèm cửa có họa tiết, hoa văn rực rỡ, màu sắc bắt mắt cũng là cách khiến ngôi nhà thêm sống động, nổi bật.

Nhà phong cách cổ điển, sang trọng chuộng kiểu rèm cầu kỳ, nhiều chi tiết xếp ly, bèo nhún,...

Rèm trơn, kiểu dáng đơn giản, màu sắc trung tính thường xuất hiện trong những ngôi nhà, căn hộ hiện đại.

Có nhiều kiểu treo rèm khác nhau, trong đó phổ biến nhất là kiểu rèm kéo sang hai bên. Tuy nhiên, nếu cửa sổ nhà bạn ở vị trí lộng gió, bạn nên sử dụng kiểu rèm kéo lên theo phương ngang, có thanh trục may ở phía dưới rèm, tạo sức nặng để rèm không bị gió thổi bung.

Kiểu rèm xếp ngang phù hợp với cửa sổ ở vị trí lộng gió.

Chọn chất liệu may rèm cửa

Chất liệu may rèm rất đa dạng, từ các loại vải như nhung, gấm, đũi, lụa,… đến nhôm, nhựa tổng hợp, chất dẻo,… Trong đó, rèm vải là loại truyền thống, lâu đời nhất và cũng thông dụng nhất. Vải nhung, gấm được ưa chuộng để làm rèm treo trong phòng kiểu cổ điển vì có màu sắc sang trọng, bền chắc, độ dày, độ rủ cao. Ngoài ra, các loại vải như tuyn, đũi, lụa, sa tanh cũng phù hợp để tôn lên vẻ truyền thống, quý phái của không gian. Trong khi đó, vải thô, trơn một màu hoặc có hoa văn nhẹ nhàng, đơn giản lại thích hợp làm rèm cửa cho ngôi nhà kiểu hiện đại. Nhiều căn hộ chung cư hiện nay chuộng dùng loại rèm hai lớp, gồm một lớp vải chắn sáng dày và một lớp voan mỏng. Khi cần chắn nắng, chắn sáng, gia chủ buông lớp dày, còn không sẽ kéo gọn lại, chỉ dùng lớp voan mỏng để tạo cảm giác lãng mạn, sang trọng mà vẫn ấm cúng.

Rèm hai lớp được yêu thích nhờ tính linh hoạt, đáp ứng được yêu cầu về thẩm mỹ và khả năng chắn sáng.

Về khả năng chắn sáng, khó có loại vải nào - ngay cả loại dày như nhung, gấm - che kín hoàn toàn, không cho ánh sáng lọt qua. Bạn chỉ có thể lưu ý chọn vải dày, sẫm màu, may hai lớp ở vị trí cửa có nắng chiếu trực tiếp. Khi đi chọn vải may rèm, bạn có thể mang đèn pin hoặc dùng chức năng đèn pin của điện thoại để soi thử, kiểm tra độ chắn sáng của vải. Ngoài ra, rèm che cửa sổ hướng về nơi quá ồn cũng nên làm bằng vải dày để tăng cường khả năng cách âm. 

Ở hướng có nắng chiếu trực tiếp, nên lưu ý chọn vải may rèm dày, chắn sáng tốt.

Khi chọn mẫu vải may rèm, các cửa hàng rèm thường chuẩn bị catalog có nhiều mẫu vải, cắt thành miếng nhỏ để khách hàng tham khảo. Tuy nhiên, từ miếng vải nhỏ này đến bộ rèm lớn có thể sẽ có chút sai khác về tính chất vải, hiệu ứng hoa văn, sự phù hợp với không gian. Vì vậy, nếu không được tư vấn đầy đủ, kĩ càng, bạn có thể chọn ngay một mẫu, cảm thấy rất ưng ý, nhưng khi rèm may xong, treo lên khung cửa lại không hài hòa. Vì vậy, tốt nhất nên có người có chuyên môn, kinh nghiệm về nội thất đi cùng bạn.

Chọn màu rèm cửa

Để tạo ra một không gian hài hòa, cân đối về màu sắc và hiệu ứng thị giác, bạn nên chọn màu rèm cửa phù hợp với màu sơn của tường và đồ nội thất. Trước hết, hãy chọn màu vải cùng tông với màu sơn tường, tối kỵ tông màu của vải rèm và sơn tường đối chọi gay gắt sẽ khiến không gian trở nên “lệch pha”, mất thẩm mỹ. Thông thường, rèm màu sáng như màu kem, trắng ngà, vàng nhạt hoặc các tông màu trung tính như xám nhạt dễ phối với nhiều màu khác. Lưu ý rằng rèm cửa là một mảng lớn trong không gian nội thất, nên làm nền thay vì quá kiểu cách, sặc sỡ, dễ lấn át các đồ đạc bày biện trong phòng. Riêng với phòng khách, ngoài màu sơn tường, bạn cũng có thể chọn màu rèm cùng tông với màu ghế sofa.

Rèm cửa cùng tông màu với sofa và thảm tạo không gian hài hòa về thị giác.

Rèm cửa màu trung tính dễ phối với nhiều màu sắc, phong cách nội thất khác nhau.

Rèm cửa màu hồng dễ thương trong phòng thiếu nữ.

Mẫu rèm màu sắc bắt mắt, hình ảnh vui nhộn sẽ khiến các bé thích mê.

Kích thước rèm cửa chuẩn, đẹp

Trên thị trường hiện nay, có rất nhiều cửa hàng, đơn vị nhận may đo rèm cửa chuyên nghiệp. Bạn chỉ cần chốt mẫu vải rồi hẹn nhân viên cửa hàng đến tận nơi khảo sát, đo đạc các kích thước để có bộ rèm vừa vặn nhất với không gian nhà bạn. Tuy nhiên, bạn cũng nên tìm hiểu, nắm được một số thông số cơ bản để nếu cần có thể tự đo hoặc trao đổi với nhân viên cửa hàng những điều chưa rõ, chưa ưng ý. Dưới đây là một số lưu ý về kích thước rèm cửa:

- Về chiều cao, rèm nên che kín từ trần xuống cách sàn khoảng 5-7 cm để tránh bụi bẩn. Nếu là rèm cửa sổ, nên thả rèm xuống dưới khung cửa khoảng 20 cm, tránh cảm giác rèm bị ngắn cũn cỡn. 

- Về chiều rộng, rèm cửa nên bao trùm toàn bộ mảng tường hoặc rộng hơn so với cửa sổ mỗi bên tối thiểu 50 cm.

- Chiều rộng của khe rèm vải (nếu nhà đóng trần thạch cao thì phải lưu ý chừa lại khe treo màn cửa) tối thiểu phải đạt 15 cm mới đủ cho hai lớp rèm.

- Nếu muốn rèm cửa cân đối, đẹp mắt, có độ rủ thì không nên quá tiết kiệm vải. Rèm vải có độ rủ đẹp nhất khi chiều rộng của vải bằng khoảng 2,5 lần chiều rộng thực tế của cửa sổ.

- Không dùng thanh treo rèm quá ngắn. Hãy chọn thanh treo dài hơn chiều rộng khung cửa của bạn từ 24-36 cm. Phần dư ra này chính là nơi để bạn buộc cố định các tấm vải rèm ở hai bên cửa sổ khi không cần chắn sáng, đồng thời cũng giúp khung cửa sổ trông có vẻ lớn hơn so với thực tế. 

Chọn rèm kích thước chuẩn góp phần giúp không gian đẹp hơn, mềm mại và ấm cúng hơn.

Khi nào nên đặt may rèm cửa?

Ở giai đoạn hoàn thiện nhà và làm nội thất, rèm cửa thường là một trong những hạng mục cuối cùng vì không làm ảnh hưởng đến các công tác khác. Muốn lắp rèm sớm thì tối thiểu trần, tường, sàn đều phải hoàn thiện xong xuôi để không làm bẩn rèm. Việc lắp đặt tủ bếp, tủ áo quần cũng nên hoàn thiện trước khi làm rèm. Quá trình đo và sản xuất rèm cửa thường chỉ mất khoảng 3-5 ngày nên bạn không cần vội vàng đặt may quá sớm. Có thể cân nhắc, tính toán thời gian để khi thi công xong các hạng mục kể trên là cũng rèm vừa may xong, tiến hành lắp đặt, chỉnh sửa ngay nếu cần.  

Đọc bài về công ty thiết kế xây dựng nhà xinh

Theo thanhnienviet

Không có nhận xét nào