Header Ads

test

Thành phố phía Đông TPHCM: Tầm nhìn mới, cơ hội mới

Thành phố phía Đông TPHCM: Tầm nhìn mới, cơ hội mới


Các chuyên gia đánh giá việc thành lập “Thành phố phía Đông” sẽ là động lực thúc đẩy phát triển, là bệ phóng giúp TPHCM tăng sức cạnh tranh lớn về mọi mặt trên trường quốc tế.

Khu đô thị sáng tạo phía Đông là một tầm nhìn mới cho TPHCM. Ảnh: Minh Tú

Hạ tầng khu vực phát triển mạnh mẽ

Khu Đông TPHCM gồm các quận 2, 9 và Thủ Đức. Theo quy hoạch đến năm 2025, khu Đông sẽ trở thành trung tâm đô thị tri thức và công nghệ cao của TPHCM, tập trung nhiều dự án hạ tầng giao thông quy mô trọng điểm.

Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, thời gian qua, khu Đông thành phố được đầu tư hạ tầng mạnh nhất so với các khu vực khác. Hàng loạt dự án hạ tầng lớn đã và đang được hình thành tại đây. 5 công trình hạ tầng giao thông đã đưa khu Đông lên tầm cao mới, có vai trò đặc biệt quan trọng và mang tầm chiến lược có thể kể đến như: Đại lộ Mai Chí Thọ, Hầm Thủ Thiêm, Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Vòng xoay Mỹ Thủy đã hoàn thành giai đoạn 1 và Đường Vành đai 2 dài 64 km, đã xây dựng 54,7 km, phần còn lại có tổng mức đầu tư gần 16.500 tỉ đồng. Đặc biệt, tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên là một trong những dự án hạ tầng nổi bật nhất khu vực này với mức đầu tư khoảng 44.000 tỉ đồng. Dự kiến trong năm 2020, dự án sẽ hoàn thành khoảng 85% khối lượng, cuối năm 2021 sẽ hoàn thành toàn tuyến.

Khu Đông thành phố được đầu tư hạ tầng mạnh nhất so với các khu vực khác. Hàng loạt dự án hạ tầng lớn đã và đang được hình thành tại đây. Ảnh: Bảo Chương 

Ngoài ra, khu vực này còn có: Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 được đầu tư gần 6.000 tỉ đồng, có quy mô 1.000 giường bệnh, có sân đỗ trực thăng; Đại học Quốc gia TPHCM là hạt nhân trong chương trình phát triển khu đô thị sáng tạo phía Đông của thành phố, có quy mô gần 650 ha, đào tạo khoảng 50.000 sinh viên; Khu Công nghệ cao là thỏi nam châm thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Không chỉ được đầu tư về hạ tầng kết nối, khu đông còn là một trong những khu vực phát triển mạnh nhất của TPHCM. Với lợi thế “đi sau” nên được quy hoạch từ đầu, khu đông TPHCM đang “về trước” với những đại đô thị mang tầm vóc quốc tế như Vinhomes Grand Park ở Quận 9 được quy hoạch không thua kém gì các quốc gia phát triển. Đặc biệt, Vinhomes Grand Park theo mô hình đô thị thông minh, rất phù hợp với chiến lược phát triển mới của khu Đông trong tương lai. 

Có thể nói, với định hướng quy hoạch và sự hoàn thiện về hạ tầng, giao thông đô thị sẽ tạo một lực đẩy mạnh mẽ làm thay đổi bộ mặt khu Đông, trở thành đô thị hiện đại, xứng tầm khu vực, kéo theo sự phát triển của thị trường bất động sản nơi đây, mang đến tiềm năng tăng giá vô cùng to lớn. 

Trung tâm sáng tạo mới

Động lực phát triển kinh tế trong 10 năm tới của thành phố chính là khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông thành phố, tích hợp ba lợi thế của ba quận 2, 9 và Thủ Đức. Trong đó, lợi thế của quận 9 là Khu công nghệ cao, Thủ Đức là đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học với 15 trường đại học gồm trên 100.000 sinh viên, còn quận 2 là trung tâm tài chính. Khu đô thị sáng tạo phía đông rộng hơn 21.000 ha với khoảng một triệu dân, kỳ vọng sẽ đóng góp 30% GDP của TP.HCM, nghĩa là bằng 4%-5% GDP của cả nước. 

Trung tâm tài chính Thủ Thiêm là một điểm nhấn trong Khu đô thị sáng tạo tương lai. Ảnh : Minh Tú

Theo đề án của một công ty từ Mỹ - đơn vị được UBND TPHCM trao giải nhất về ý tưởng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo phía Đông, trọng điểm của khu đô thị này sẽ bao gồm 6 trung tâm quan trọng. Đó là, Trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm, Khu thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc, Trung tâm công nghệ giáo dục với tâm điểm là Đại học Quốc gia TPHCM là nơi tập trung tri thức cho việc nghiên cứu hợp tác giữa các trường đại học, các công ty nghiên cứu và phát triển, phòng thí nghiệm nghiên cứu. Hai trung tâm còn lại là Khu công nghệ sinh thái Tam Đa và Khu đô thị tương lai Trường Thọ. 

Theo TS Trần Quang Thắng – Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM, đô thị Thành phố khu Đông giúp chuyển đổi và nâng tầm nền kinh tế hiện tại của TPHCM trở thành nền kinh tế tri thức, công nghệ cao. Qua đó tạo ra nhiều việc làm có chất lượng hơn, sáng tạo hơn, thu nhập tốt hơn; hạ tầng được nâng cấp và thêm không gian xanh sẽ có môi trường trong lành hơn... Không chỉ người dân ba quận (2, 9, Thủ Đức) hưởng lợi trực tiếp từ việc được đầu tư, khu đô thị còn giúp TPHCM có nền kinh tế phát triển hơn, đáng sống hơn.

“Điểm nóng” hút vốn đầu tư

Việc hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ đã kéo theo sự xuất hiện của hàng loạt khu đô thị. Theo các chuyên gia, nếu được thành lập thì “Thành phố phía Đông” sẽ có hơn 1 triệu dân, với diện tích 21.000ha, duy trì mức đóng góp 30% GDP ngân sách quốc gia; trở thành hạt nhân của cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam. Đúng với mục tiêu mà TPHCM đã đề ra và mong muốn tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong một thập kỷ tới.

Nhiều khu đô thị hiện đại đang thành hình ở khu Đông. Ảnh: M. Tú

Sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng giao thông kéo theo sự xuất hiện của hàng loạt khu dân cư và cao ốc, khu đô thị tầm cỡ như Vinhomes Grand Park, Verosa Park, Sala,… biến nơi đây thành điểm đến thu hút nhà đầu tư. Bên cạnh đó, việc thành lập “Thành phố phía Đông”, TPHCM mong muốn hỗ trợ các tỉnh lân cận như Đồng Nai và Bình Dương để tạo nên cụm động lực phát triển kinh tế cho khu vực phía Nam.

Cũng theo đánh giá của các chuyên gia, ngoài hạ tầng phát triển, khu vực phía Đông có lợi thế lớn ở quỹ đất dồi dào, là cơ hội để phát triển các mô hình bất động sản theo xu thế tương lai. Các khu đô thị sinh thái thông minh tích hợp đầy đủ chức năng và tiện ích sẽ là thỏi nam châm hút nhà đầu tư khi khách hàng ngày càng có yêu cầu cao hơn về chất lượng cuộc sống.

Đọc thêm bài về Nhà phố đẹp | 1001 mẫu thiết kế nhà phố 1,2,3,4 tầng đẹp nhất 2020

Theo laodong

Không có nhận xét nào