Vì sao chứng khoán Mỹ hoảng loạn
Vì sao chứng khoán Mỹ hoảng loạn
Nhà đầu tư lo ngại chính quyền Mỹ chưa hành động kịp thời để ngăn dịch bệnh và các biện pháp kích thích không giải quyết được vấn đề nguồn cung.
Phiên 27/2, cả ba chỉ số chính tại Wall Street đều mất hơn 4% và rơi vào vùng điều chỉnh. DJIA có phiên giảm mạnh nhất lịch sử, với 1.190 điểm. Còn S&P 500 thậm chí có đợt điều chỉnh nhanh kỷ lục, khi chỉ trong 6 ngày đã mất tới 12% so với đỉnh gần nhất.
Việc này hoàn toàn trái ngược khi chỉ một tuần trước, chứng khoán Mỹ liên tiếp lập đỉnh bất chấp hàng loạt tin tức bất lợi với kinh tế toàn cầu do dịch Covid-19. Khi đó, nhiều chuyên gia lý giải nhà đầu tư vẫn hào hứng mua vào vì đặt cược vào khả năng giải quyết vấn đề của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Tuy nhiên, bước ngoặt diễn ra ngay sau khi thị trường lập kỷ lục phiên 19/2. Kể từ đó, chứng khoán Mỹ đã đi xuống 6 phiên liên tiếp. "Từ việc thờ ơ với dịch bệnh, giờ mọi người lại đang coi nó là ngày tận thế. Chẳng có bước chuyển tiếp nào cả", Peter Jankovskis – Giám đốc Đầu tư tại OakBrook Investments nhận định. Mỹ hiện ghi nhận 60 ca nhiễm nCoV và số người nhiễm dự kiến còn tăng lên.
Trong cuộc họp báo hôm thứ tư, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng rủi ro từ nCoV đối với người Mỹ là "rất thấp" nhờ các hành động kịp thời của chính quyền. Tuy nhiên, các cố vấn đầu tư đang ngày càng lo ngại rằng giới chức Mỹ không thực hiện đủ biện pháp để ngăn dịch bệnh lây lan tại đây.
Nhân viên giao dịch trên sàn chứng khoán New York hôm 27/2. Ảnh: Reuters
Họ cho rằng số người được xét nghiệm tại Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) quá ít ỏi, việc áp đặt lệnh phong tỏa tại các thành phố Mỹ là rất khó và Nhà Trắng có thể lúng túng trong các biện pháp kiểm soát. Một phụ nữ nhiễm nCoV tại Mỹ đã phải chờ 5 ngày mới được xét nghiệm do chưa từng đến vùng dịch. Sau khi thúc giục, bà mới được xét nghiệm và có kết quả dương tính.
Bang California đang phải theo dõi khoảng 8.400 người nghi nhiễm. Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 26/2 cũng nâng mức cảnh báo về đi lại tới Hàn Quốc lên cấp độ 3. Trên website, CDC cho biết "đến ngày 24/2, CDC đã phối hợp với Bộ An ninh Nội địa Mỹ tại 11 sân bay. Hành khách trên tất cả chuyến bay từ Trung Quốc được rà soát và hướng dẫn đến cơ quan y tế để tự theo dõi".
Dù vậy, với một số nhà đầu tư phân tích, những biện pháp này không có nhiều ý nghĩa. "Những gì diễn ra trên thế giới đã làm suy giảm niềm tin vào các chính phủ", James Bianco - Giám đốc hãng nghiên cứu Bianco Research cho biết. Đó là sự nghi ngờ về độ chính xác của Trung Quốc khi thống kê các ca nhiễm, cách ứng phó của Nhật Bản với một du thuyền bị cách ly và số người ít ỏi được xét nghiệm tại Mỹ.
Trung Quốc - nơi khởi nguồn của virus corona - ghi nhận 327 ca nhiễm mới hôm nay. Đây là con số thấp nhất kể từ ngày 23/1. Tuy nhiên, các ca nhiễm mới ngoài nước này lại ngày càng tăng. Reuters cho biết trong 24 giờ qua, 10 quốc gia đã báo cáo có ca nhiễm nCoV đầu tiên.
Người Mỹ mua khẩu trang tại New York (Mỹ). Ảnh: Reuters
"Virus corona giờ chẳng khác nào một đại dịch. Thị trường có thể đương đầu với bất kỳ rủi ro lớn nào, miễn là nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm", Norihiro Fujito - chiến lược gia đầu tư tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities nhận định, "Nhưng hiện tại, chẳng ai biết chuyện này sẽ kéo dài bao lâu và hậu quả sẽ tồi tệ thế nào".
Một nguyên nhân nữa khiến nhà đầu tư rời bỏ chứng khoán là họ lo sợ nCoV sẽ gây ra cú sốc nguồn cung trên toàn cầu. Nhà đầu tư vốn quen thuộc hơn với kịch bản ngược lại, đó là nhu cầu đi xuống.
Erik Nielsen - nhà kinh tế học tại UniCredit Bank cho biết nỗ lực của giới hoạch định chính sách nhằm kích thích nền kinh tế chỉ có thể phần nào giải quyết vấn đề nhu cầu. Còn vấn đề nguồn cung "phức tạp hơn rất nhiều".
"Ví dụ, Trung Quốc đã đóng cửa 70.000 rạp phim vì virus. Đó là cú sốc về nguồn cung, và không một biện pháp kích cầu nào có thể kéo doanh thu bán vé lên được. Dĩ nhiên, người ta có thể ở nhà tải phim và game về chơi, như chúng ta đã thấy, nhưng nó chỉ như muối bỏ bể với cả nền kinh tế", ông nói.
Nielsen cho biết trên thế giới có rất ít cú sốc về nguồn cung lớn. Phổ biến nhất là dầu thô, bão, sóng thần, động đất, chiến tranh và các cuộc tấn công. Vấn đề ở đây là nới lỏng tiền tệ hay tài khóa gần như không thể bù đắp tác động này, do đây là các biện pháp để kích cầu.
Nếu sự đình trệ sản xuất tại châu Á tệ đi, hoặc kéo dài sang quý II, thiếu hụt nguồn cung toàn cầu có thể kéo tụt ngành sản xuất vốn đang đi xuống. Việc này sẽ tác động đến việc làm và kinh tế thế giới.
Điều tồi tệ này lại diễn ra đúng thời điểm chứng khoán Mỹ lên cao do nhà đầu tư kỳ vọng viễn cảnh tươi sáng sau khi Fed hạ lãi suất 3 lần năm ngoái và Mỹ ký nhiều hiệp định thương mại, Brian Nick - chiến lược gia đầu tư tại Nuveen cho biết trên Market Watch. Thậm chí, kể cả sau phiên giảm hôm thứ hai, chứng khoán Mỹ vẫn phản ánh triển vọng tích cực với tăng trưởng lợi nhuận và kinh tế nước này. Sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11 cũng được dự báo không gây xáo trộn thị trường.
"Tuy nhiên, tất cả những điều này sẽ bị nghi ngờ, nếu tác động của dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng. Trong ngắn hạn, cổ phiếu và các tài sản rủi ro khác sẽ phản ứng tiêu cực với các dấu hiệu kinh tế yếu đi", Nick cho biết.
Ngân hàng đầu tư BofA đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính. Moody’s cũng cho rằng dịch bệnh sẽ châm ngòi cho suy thoái tại Mỹ và thế giới trong nửa đầu năm, do người Mỹ lo sợ và ngừng chi tiêu.
Đọc thêm https://nhaxinhcenter.com.vn/tin-tuc/top-50-mau-thiet-ke-biet-thu-hien-dai-dang-cap-nhat.html
Theo Reuters, Market Watch
Post a Comment