Mở cửa sổ đón không khí sạch thế nào đúng nhất?
Mở cửa sổ đón không khí sạch thế nào đúng nhất?
Ô nhiễm không khí là nỗi lo lắng nhiều ngày nay của người dân sống ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM. Việc mở cửa sổ đón không khí sạch thế nào, tưởng đơn giản mà không phải ai cũng biết.
Không gian cửa an toàn và tạo luồng gió sạch là rất cần thiết trong mỗi nhà.
Thời điểm không khí ô nhiễm nhất
Những ngày này ở miền Bắc là thời điểm giao mùa, thời tiết thất thường. Có lúc oi bức, ngột ngạt tưởng như mùa hè đã đến. Bất chợt lại se lạnh kèm theo những cơn gió mùa Đông Bắc. Lạnh quá hoặc nóng quá, nhiều người có thói quen đóng kín cửa.
Cũng có nhiều gia đình có thói quen đóng kín cửa cả ngày, buổi chiều đi làm về mới mở hết các cửa cho không khí tươi vào nhà. Có người lại cho rằng không khí buổi sáng mới tốt, nên chỉ mở cửa nhà cho thông thoáng vào buổi sáng. Vậy mở cửa vào thời điểm nào là đúng, đón được không khí trong lành vào nhà?
Theo ông Trần Nhật Đình, chuyên gia độc lập của các dự án về môi trường, vào những ngày này, nhiều người có thói quen mở cửa cho đỡ oi bức mỗi khi trời nắng nóng. Nhưng ít người biết rằng thời điểm không khí nhiều bụi nhất chính là giao điểm giữa lúc trời đang nóng bức lại chuyển lạnh và ngược lại.
Ví dụ, nếu dự báo thời tiết đêm nay có không khí lạnh thì trước đó 1 - 2 ngày, trời sẽ rất oi bức. Vào buổi trưa và chiều của ngày có không khí lạnh tràn về vào đêm như vừa nói, chính là thời điểm không khí có nhiều bụi nhất. Sau đó, lúc 12 giờ đêm gió bắt đầu chuyển hướng từ Đông Nam sang Đông Bắc, quẩn, nhiệt độ bắt đầu hạ, tạo ra một khối không khí ô nhiễm sát mặt đất lúc 2 - 3 giờ sáng.
Mở cửa đón gió vào thời điểm này đồng nghĩa với việc sẽ đón một lượng lớn không khí ô nhiễm vào trong nhà. Cho dù lúc này không khí rất oi bức, khó chịu.
Thời điểm mở cửa đón gió làm sạch không khí, để khí tươi lưu thông vào trong nhà là sau khi gió mùa về. Nghĩa là nếu không khí lạnh tràn về lúc đêm, thì đầu giờ sáng hôm sau hãy mở cửa làm sạch không khí trong nhà bởi lúc này không khí mát, sạch, khô, rất tốt cho sức khỏe. Khi nào lạnh quá lại đóng cửa sổ.
Chuyên gia Trần Nhật Đình phân tích: “Thời điểm không khí ô nhiễm trở lại là lúc quy trình lặp lại. Nghĩa là khi nào trời không lạnh đi nữa mà ổn định hoặc ấm lên là bụi sẽ nhiều lên dần đều. Rồi sau đó khi gặp đợt không khí lạnh hoặc nóng, thì thời điểm giao nhau đó không khí sẽ có nhiều bụi nhất”.
Nên mở cửa sổ sau khi trời mưa
Quy luật không khí ô nhiễm trên theo chuyên gia Trần Nhật Đình chỉ áp dụng ở miền Bắc, nơi có điều kiện khí hậu, thời tiết đặc thù. Còn ở miền Nam, tính chất của thời tiết khác, ô nhiễm cũng khác.
Nhiều người ở Sài Gòn có thói quen mở cửa sổ qua đêm đi ngủ cho thoáng, buổi sáng ngủ dậy lại đóng hết các cửa lại cho khỏi bụi và an toàn.
Chuyên gia Trần Nhật Đình giải thích: Theo tính toán thì bụi trong không khí ở TPHCM ít hơn bụi Hà Nội. Hơn nữa Nam Bộ lại không có gió mùa, không khí không bị quẩn, vẩn nên hoàn toàn có thể áp dụng cách mở cửa đón không khí tươi vào nhà như nhiều người áp dụng.
Theo đó thì khoảng từ 0 giờ đến 5 giờ sáng là không khí sạch nhất ở miền Nam, cụ thể là TPHCM. Chiều tối là thời điểm không khí ô nhiễm nhất. Đến khoảng 6 - 7 giờ sáng là không khí lại bắt đầu ô nhiễm trở lại.
“Nhiều người có thói quen tập thể dục buổi sáng thì nên kết thúc trước thời điểm không khí bắt đầu ô nhiễm. Bởi nếu hít thở không khí nhiều bụi trong lúc tập luyện thì đương nhiên là gây hại cho sức khỏe.
Với người cao tuổi ở nhà, muốn không khí trong nhà lưu thông tốt, sạch sẽ, thì tốt nhất là mở hết các cửa sau khi trời mưa. Nam Bộ mưa liên tục, các trận mưa ngắn, ngắt quãng là một cách để rửa trôi những phần tử bụi có hại trong không khí. Sau cơn mưa, không khí mát, trong lành, sạch, mở cửa đón gió rất có lợi cho sức khỏe”, chuyên gia Trần Nhật Đình phân tích.
Trồng cây xanh lọc không khí
Trồng cây lọc không khí trong nhà là giải pháp hữu hiệu
Để cải thiện chất lượng không khí trong nhà thì điều đầu tiên là phải sạch. Việc vệ sinh, hút bụi, lau chùi đồ đạc, sàn nhà cần được tiến hành thường xuyên để hạn chế sự lưu cữu của bụi, tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển.
Ngoài ra, có thể sử dụng các loại điều hòa có chức năng phóng thích i-on Hydro và oxy hoạt tính, khi kết hợp với các chất có hại gốc OH, nấm mốc, vi khuẩn… các phân tử này sẽ chuyển hoá chúng thành nước vô hại cũng như có khả năng lọc bụi và mạt bụi, vi khuẩn.
Chọn các loại cây trồng trong nhà để lọc không khí. Loại cây này cũng được nhiều người yêu thích chọn làm cây cảnh trang trí trong nhà.
Không chỉ đẹp mắt, cây đa búp đỏ còn có khả năng hấp thụ tốt CO và CO2 cùng nhiều chất độc khác giúp cho ngôi nhà của bạn luôn trong lành và sạch sẽ. Cây lưỡi hổ, dương xỉ, dừa cảnh, phong lan có thể thanh lọc bụi và chất hóa học tại nơi ở hay phòng làm việc của bạn.
Một số loại cây có thể kể như cây hoa phong lan hấp thụ khí CO2 vào ban đêm và cung cấp oxy cho không gian sống thoáng mát. Đó là lý do nhiều người đặt hoa lan vào không gian nghỉ ngơi để nâng niu giấc ngủ.
Cây dừa cảnh là "bộ máy" lọc bụi và chất độc, thích hợp cho phòng khách hay văn phòng giúp loại trừ bụi bẩn bay trong không khí. Nha đam (lô hội) là cây dân dã, dễ trồng, dễ chăm sóc và có thể bố trí ở nhiều không gian từ phòng khách, phòng ăn, nhà tắm để lọc không khí.
Cây trầu bà dễ trồng, sinh trưởng tốt trong nhiều môi trường và có tác dụng hút bụi, lọc không khí hiệu quả. Bạn có thể đặt một chậu nhỏ tại nơi làm việc để không khí tươi mới hơn.
Theo các chuyên gia, để làm sạch không khí trong nhà thì vệ sinh nhà cửa, lau dọn sạch bụi thường xuyên trên đồ đạc… cũng rất quan trọng. Nếu có điều kiện thì trồng nhiều cây xanh quanh nhà để không khí được mát mẻ, sạch sẽ, chắn bụi bẩn cho ngôi nhà.
Xem thêm https://nhaxinhcenter.com.vn/tin-tuc/nhung-mau-nha-vuon-dep.html
Theo Giáo dục và Thời đại
Post a Comment