Header Ads

test

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 25/11/2019

Trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 25/11/2019 của các công ty chứng khoán.


Khuyến nghị tích cực dành cho PTB với giá mục tiêu 90.800 đồng/CP

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Chúng tôi giữ nguyên đánh giá tích cực cho triển vọng kinh doanh của CTCP Phú Tài (mã chứng khoán PTB) trong 2 năm tới khi các lĩnh vực kinh doanh đều còn tiềm năng tăng trưởng. Riêng lĩnh vực sản xuất đồ gỗ chúng tôi cho rằng đây sẽ là trọng tâm tăng trưởng của PTB trong tương lai khi bối cảnh ngành gỗ đang gặp nhiều thuận lợi.

Ngoài ra, chúng tôi cũng kỳ vọng kinh nghiệm của ban lãnh đạo công ty sẽ giúp ích rất lớn cho việc mở rộng thị trường và gia tăng hiệu quả hoạt động sản xuất cho doanh nghiệp.

BVSC dự báo lợi nhuận của PTB có thể đạt 424 tỷ đồng và 485 tỷ đồng vào năm 2019 và 2020, tương ứng EPS là 8.965 đồng và 10.263 đồng, tăng 10% và 26% so với lợi nhuận 2018. Chỉ số P/E năm 2019 và 2020 dự báo đạt 8,1 lần và 7,0 lần.

Với những đánh giá trên, BVSC khuyến nghị OUTPERFORM cho cổ phiếu PTB với mức giá hợp lý là 90.800 đồng, tiềm năng tăng giá là 26%.

VRC có thể tiếp cận lại khu vực giá lịch sử quanh mốc 25.5

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu VRC của Công ty cổ phần Bất động sản và Đầu tư VRC vẫn đang trong quá trình tăng tích cực từ cuối tháng trước sau khi đã tạo mô hình hai đáy hướng lên khá vững tại nền giá 15.

Thanh khoản trong phiên hôm nay tăng mạnh đẩy giá cổ phiếu tăng 4.44%, đóng cửa tại mốc 20, trở thành một trong số ít cổ phiếu đi ngược lại đà giảm mạnh của thị trường chung.

Các chỉ báo xu hướng đều đồng thuận với trạng thái tích cực của VRC. Chỉ báo động lượng RSI đã nằm trong vùng quá mua từ đầu tháng nay nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy có thể xảy ra một sự điều chỉnh trong ngắn hạn. Ngưỡng kháng cự gần nhất của cổ phiếu nằm tại vùng giá 22.

Tuy vậy, theo đánh giá của chúng tôi, VRC có thể tiến xa hơn thế và tiềm năng cao sẽ tiếp cận lại khu vực giá lịch sử tại xung quanh mốc 25.5 trong trung hạn.

Khuyến nghị tích cực dành cho MWG

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Chúng tôi nhận thấy các chuỗi kinh doanh của MWG vẫn đang tăng trưởng ổn định và tin rằng vẫn còn dư địa để tiếp tục cải thiện biên lợi nhuận gộp cho các chuỗi, một phần nhờ vào cơ cấu sản phẩm tốt hơn cho chuỗi TGDĐ, ĐMX và khi độ phủ cửa hàng tăng lên, các kho hoạt động công suất tối đa giảm được chi phí cho BHX. Chúng tôi duy trì quan điểm Tích cực đối với cổ phiếu MWG.

Khuyến nghị mua dành cho MWG

CTCK Bản Việt (VCSC)

Trong 10 tháng 2019, doanh thu của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) đã tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đã tăng 35%. Các kết quả tích cực này chủ yếu được dẫn dắt bởi Điện Máy Xanh (DMX - chuỗi điện máy), tăng biên lợi nhuận gộp và cải thiện thu nhập tài chính ròng.

KQKD 10 tháng 2019 thấp hơn nhẹ so với dự báo cả năm của chúng tôi là tăng trưởng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 38%; chúng tôi cho rằng nguyên nhân đến từ doanh số/cửa hàng thấp hơn dự kiến của BHX (chuỗi bách hóa) trong tháng 9-10/2019 và các khoản đầu tư đón đầu vào các trung tâm phân phối (TTPP) của BHX.

Chúng tôi cho rằng những yếu tố này không mang tính trọng yếu. Chúng tôi duy trì quan điểm tích cực đối với triển vọng tăng trưởng của MWG và duy trì khuyến nghị mua cho cổ phiếu này.

Khuyến nghị mua dành cho BVH với giá mục tiêu 86.300 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi nâng khuyến nghị cho Tập đoàn Bảo Việt (BVH) từ khả quan lên mua, dù giá mục tiêu giảm 5,1% từ 90.900 đồng còn 86.300 đồng do giá cổ phiếu đã giảm 8,6% từ báo cáo cập nhật gần nhất của chúng tôi.

Phí bảo lãnh và chi phí G&A giảm 1 phần bù trừ cho thu nhập từ hoạt động đầu tư dự kiến tiếp tục giảm. Giá mục tiêu của chúng tôi được cập nhật mô hình định giá về cuối năm 2020.

Rủi ro cho nhận định tích cực của chúng tôi: ước tính chi phí dự trữ toán học chưa chắc chắn có thể ảnh hưởng đến ước tính EPS; lợi suất trái phiếu Chính phủ tiếp tục giảm

Khuyến nghị mua dành cho SAB

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi nâng khuyến nghị cho Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB) từ khả quan lên mua khi giá cổ phần của SAB đã giảm 13% trong 3 tháng qua, đồng thời điều chỉnh tăng nhẹ giá mục tiêu 0,5%.

Chúng tôi tăng nhẹ dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2019 1% chủ yếu đến từ việc thu nhập tài chính thuần vượt dự phóng trong khi dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2020F-2022F gần như không thay đổi.

Dựa trên dự phóng của chúng tôi, PEG của SAB giai đoạn 2019F-2022F đạt 1,7, khá hấp dẫn so với trung vị các công ty cùng ngành là 2,2. Tốc độ tăng trưởng kép EPS dự phóng giai đoạn 2019F-2022F đạt 18%, đến từ việc gia tăng thị phần và biên lợi nhuận cải thiện nhờ nỗ lực tái cấu trúc hoạt động kinh doanh sau khi ThaiBev mua lại cổ phần chi phối.

Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số quý 4/2019 sẽ tăng 42% YoY từ mức cơ sở thấp ghi nhận trong quý 4/2018; trong quý 4/2018, KQ LN của SAB bị ảnh hưởng bởi động thái giảm hàng tồn kho trong hệ thống, đi kèm việc ghi nhận chi phí dự phòng cho hàng tồn kho cũ.

Chúng tôi dự báo tăng trưởng EPS năm 2020 đạt 21%, đến từ tăng trưởng sản lượng khoảng 7% (cao hơn mức tăng trưởng chung của thị trường), giá bán/cơ cấu sản phẩm cải thiện khoảng 2,5%, giá nguyên liệu đầu vào thuận lợi (đặc biệt là nhôm) và hiệu suất hoạt động tiếp tục được cải thiện.

Rủi ro cho quan điểm tích cực của chúng tôi: tăng trưởng tiêu thụ bia tại Việt Nam chững lại; thị phần của SAB bão hòa; cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ có thể ảnh hưởng biên lợi nhuận.

Khuyến nghị khả quan dành cho VPB

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi hạ khuyến nghị cho VPB từ mua xuống khả quan và giảm giá mục tiêu 7,1% sau khi đưa định giá đến cuối năm 2020 và tổng thu nhập thuần giảm 2,2% trong giai đoạn 2019- 2023F. Chúng tôi hạ khuyến nghị chủ yếu đến từ nhận định thận trọng hơn cho triển vọng tăng trưởng của mô hình kinh doanh FE Credit (FEC), do ảnh hưởng của Thông tư 18/2019/NHNN, áp dụng mức trần cho tỷ trọng cho vay bằng tiền mặt trong dư nợ tài chính tiêu dùng.

Dự báo thu nhập thuần 2019 của chúng tôi tăng nhẹ 1,4% đạt 7,6 nghìn tỷ đồng (+2,7% YoY) do lợi nhuận từ HĐKD trước dự phòng (PPOP) tăng 0,4% và chi phí dự phòng giảm 0,3%.

Chúng tôi tăng dự báo thu nhập thuần 2020F 1,0% đạt 9,8 nghìn tỷ đồng (+29,2% YoY) do PPOP tăng 0,2% và chi phí dự phòng giảm 0,5%.

Thông tư 18/2019/NHNN, có hiệu lực từ ngày 01/01/2020, áp dụng mức trần cho vay bằng tiền mặt là 70%/60%/50%/30% trong dư nợ cho vay từ đầu năm 2021/2022/2023/2024. Chúng tôi cho rằng mức trần này sẽ ảnh hưởng triển vọng tăng trưởng và khả năng sinh lời của FEC khi tỷ trọng cho vay bằng tiền mặt của FEC đang trên 70%.

Rủi ro: (1) không duy trì được nợ xấu và chi phí tín dụng, dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận năm 2020F thấp hơn dự kiến và (2) rủi ro trong việc thực hiện giảm tỷ trọng cho vay bằng tiền mặt.

FEC ghi nhận hồi phục với chí phí tín dụng có xu hướng giảm trong 9 tháng 2019. Các chỉ báo của VPB cao hơn so với các ngân hàng khác, nhưng chúng tôi dự phóng ROE giảm xuống 16% trong năm 2023. Chúng tôi cho rằng định giá của VPB là thấp tại P/B năm 2020F là 1,0 lần so với trung vị các ngân hàng khác là 1,2 lần. Giá mục tiêu của chúng tôi tương ứng với P/B năm 2020F là 1,1 lần. xem thêm bài về https://baohiemlienviet.com/tin-tuc-su-kien

Xem thêm mẫu thiết kế nhà xinh https://nhaxinhcenter.com.vn/

Theo Báo đầu tư

Không có nhận xét nào